Loading

tuần thứ 21

0 bình luận
Bé đang lên cân đều và cơ thể thì trở nên trơn tuột do một chất trắng như mỡ gọi là gây đang bao bọc toàn bộ cơ thể nhằm bảo vệ da bé trong môi trường nước ối. Đa phần trẻ vẫn tiếp tục mang chất trắng dinh dính này khi sinh ra.

Sự phát triển của bé

Bé lúc này dài khoảng 16,5cm từ đỉnh đầu tới mông và đang tăng cân đều đặn. Một lớp mỏng màu trắng nhờ, trơn bóng được gọi là gây phủ khắp cơ thể bé, giúp bảo vệ da trong môi trường nước ối cũng như giúp bé di chuyển dễ dàng hơn. Phản xạ nuốt của bé ngày càng nhiều hơn, nhằm luyện tập cho hệ tiêu hóa. Sau khi bé nuốt nước ối, cơ thể sẽ hấp thu nước trong nước ối và chuyển các cặn này vào ruột.
Cơ thể bé lúc này rất cần chất sắt để tạo hồng cầu và một số loại tế bào khác

Sự thay đổi của mẹ
Hầu hết phụ nữ bắt đầu cảm thấy thở hổn hển khi đi lên cầu thang. Thở không ra hơi trong tình huống này là bình thường và tình hình sẽ ngày càng “tệ” hơn do tử cung ngày càng phát triển, “chèn ép” phổi.
Luôn đảm bảo bổ sung đủ chất sắt cho cơ thể vì bé lúc này rất cần chất sắt để tạo hồng cầu. Đừng bao giờ lo thừa sắt do ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Các thực phẩm giàu chất sắt gồm: thịt nạc đỏ, thịt lợn, cá, đậu lăng, rau chân vịt và ngũ cốc bổ sung sắt.

Lời khuyên hữu ích
Ăn dứa tươi (cắt từng miếng nhỏ) sẽ giúp giảm chứng ợ nóng

Những điều cần lưu tâm
Bạn có thể trở lại công việc, tiếp tục ở nhà hay đi làm part time sau khi sinh bé? Xây dựng một kế hoạch mềm dẻo sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm, tâm trí bớt lo lắng.
Học cách bảo vệ lưng và luyện tập để giảm đau lưng.
Kiểm tra lại ngày dự sinh bé. Các bé thường chào đời sớm hơn dự kiến đấy.
Những lo lắng thường gặp
Tôi nghe nói rằng nhiễm trùng đường tiểu rất phổ biến trong giai đoạn mang thai. Vậy nhiễm trùng đường tiểu là bệnh gì và có thể phòng ngừa không?

Nhiễm trùng đường tiểu và nhiễm nấm Canadia rất phổ biến ở phụ nữ, dù họ có mang bầu hay không.
Tuy nhiên, những thay đổi do có thai thường làm cho bạn dễ bị viêm nhiễm hơn. Bạn có thể tránh các viêm nhiễm này ở giai đoạn đầu thai kỳ bằng cách uống nhiều nước và các loại nước quả, súp.
Vào mùa hè, nhiều thai phụ có cảm giác nóng buốt khi đi tiểu. Nếu cảm giác này là do tình trạng cơ thể bị khử nước thì uống thật nhiều nước lọc và các loại nước khác sẽ giúp nhanh chóng cải thiện tình hình. Nếu cảm giác nóng buốt này không hết dù đã uống nhiều nước thì hẳn bạn đã bị nhiễm trùng đường tiểu và cần đi khám chuyên khoa ngay. Các bác sĩ sẽ kê kháng sinh, loại dành cho thai phụ.
Thu Trang

Matthew - batboy

3 bình luận
Chiều hôm qua, một sự việc kinh hoàng đã xảy ra tại apt#F24 (lầu 1), Pepperwood aparment. Matthew, 2 tuổi đã phi thân qua cửa sổ và tiếp đất 1 cách ngoạn mục.



Đây là cửa sổ nơi batboy thực hiện cú phi thân.

Từ mặt đất tới cửa sổ cao khoảng 3 thước.

Dưới mặt đất là những bụi cây nhỏ và ... đá.

Rất may nơi Matthew tiếp đất là 1 ... khe nhỏ giữa bờ tường & những lùm cây.
Sự việc xảy ra khi Matthew cùng Na & Lyly đang chơi trong phòng, cửa sổ mở & không có chấn song, Matthew vịn vào phần cửa lưới và phù....bẹp....
Ngay sau đó Matthew được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hết sức .... tỉnh táo. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ chụp x-ray, CT,... bác sỹ đã hết sức kinh ngạc nói là những chấn thương của Matthew chỉ như ngã từ trên ghế xuống ở sân chơi.

1 vết xước ở lưng.

1 vết trầy ở trán.
(Thím Thảo, ngồi phía sau, vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại cú phi thân của cháu. Quên cả mình đang mang bầu 5 tháng, thím cũng bay cái vèo ... (theo lối cầu thang, tất nhiên) và chứng kiến cháu mình nằm bẹp lép như con tép trên nền đất)

1 vết trầy ở tay.

Đến sáng nay thì đã chạy nhảy và nghịch phá như thường.
Chú Hiếu comment: Ông nội ở dưới đỡ khi nó ngã.
Bác Nhật comment: Matthew có máu mèo....
Tạ ơn Chúa, Đức Mẹ & Thiên thần bản mệnh đã giúp Matthew ... tiếp đất an toàn.

MẸ - thơ của Đỗ Trung Quân

0 bình luận
MẸ

(Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ)

Con sẽ không đợi một ngày kia

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?

ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia

có người cài cho con lên áo một bông hồng

mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ

mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng

hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ

Sống tự do như một cánh chim bằng

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái

Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Những bài thơ chất ngập tâm hồn

đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc

Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác

mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ

ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

giọt nước mắt già nua không ứa nổi

ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

mấy kẻ đi qua

mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

ta vẫn vô tình

ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay…

anh đã bao lần dừng lại trên phố quen

ngã nón đứng chào xe tang qua phố

ai mất mẹ?

sao lòng anh hoảng sợ

tiếng khóc kia bao lâu nữa

của mình?

Bài thơ này xin thắp một bình minh

trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối

bài thơ như một nụ hồng

Con cài sẵn cho tháng ngày

sẽ tới!

Đỗ Trung Quân – 1986

Tuần thứ 20

0 bình luận
Chúc mừng bạn! Bạn đã đi được một nửa chặng đường. Đây là giai đoạn phát triển chủ yếu của bé với sự thay đổi ở những vùng đặc biệt của não.

Sự phát triển của bé

Đỉnh của tử cung giờ đã gần chạm rốn và sẽ còn tăng thêm khoảng 1cm trong mỗi tuần. Thai nhi lúc này dài khoảng 15cm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 240g.

Bé bắt đầu biết nuốt dịch ối và thận đã sản xuất ra nước tiểu. Tóc đang mọc dài ra.

Sự phát triển của giác quan sẽ đạt tới đỉnh cao vào tuần này. Các tế bào thần kinh đã được chuyên biệt hóa cho 5 xúc giác: nếm, ngửi, nghe, nhìn và sờ. Quá trình sản sinh các tế bào thần kinh chậm dần thay vào đó là sự lớn lên của các tế bào và tập trung vào sự kết nối giữa các tế bào.

Cảm giác “máy bụng” không còn mơ hồ. Những “cú đạp” và nhào lộn cho thấy bé đang phát triển và sự hoạt động hăng hái của bé có thể làm bạn khó ngủ. Trong khoảng 10 tuần tiếp theo hoặc lâu hơn là giai đoạn bé hiếu động nhất. Sau đó, do tử cung lúc này đã quá chật chội nên buộc bé phải nằm im nhiều hơn.

Sự thay đổi của người mẹ

Tử cung lúc này đã mở rộng nhanh chóng, lấn chiếm dần ổ bụng, đỉnh của tử cung lúc này đã tiệm cận với rốn. Từ giờ trở đi, mỗi tuần tử cung sẽ mở rộng thêm 1cm.

Có thể sẽ có cảm giác đau nhói ở bụng dưới nhưng không có gì đáng ngại cả. Đó chỉ là tình trạng căng cơ và dây chằng mà thôi.

Rất nhiều thai phụ lo lắng rằng họ sẽ không thể chịu đựng được những cơn đau trong quá trình chuyển dạ và lâm bồn. Một số phụ nữ nghĩ tới phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau tối đa. Nhưng thực ra điều này không phải là 1 ý tưởng hay vì chuyển dạ có kèm gây tê màng cứng có nhiều nguy cơ hơn là chuyển dạ thông thường và cảm giác đau sẽ quay trở lại sau sinh.

Bạn có thể áp dụng một số cách giảm đau tự nhiên để đối phó với những cơn co dạ con thay vì dùng thuốc. Sự tự tin và cố gắng sẽ giúp bạn kiểm soát được cảm xúc và bớt lo âu hơn.

Để có thể ngủ ngon trong giai đoạn này là rất khó, đặc biệt là khi bạn bị chứng ợ nóng hay đầy bụng, khó tiêu. Một số khác lại khó ngủ do cảm giác đói và họ chỉ có thể ngủ lại sau khi “đánh chén” một bữa ăn thịnh soạn lúc nửa đêm. Số khác lại khó ngủ vì tắc mũi.

Lời khuyên hữu ích

Hãy xoa bóp các dây chằng, dùng miếng dán nóng hay chai nước nóng, miếng vải ấm để chườm ở chỗ bị đau. Nếu cảm giác đau vẫn còn hoặc lan sang lưng thì tốt nhất nên tới gặp bác sĩ.

Những điều cần lưu tâm

Hãy ăn nhiều chuối! Chúng là nguồn vitamin B tuyệt vời, rất quan trọng đối với hệ thần kinh của thai nhi. Hãy ăn nhiều rau quả hơn trong bữa ăn.

Đọc truyện hoặc hát cho bé nghe. Đây là cách tuyệt vời để tạo sự liên hệ giữa cha và con, mẹ và con.

Mang đa thai có gì khác?

Tại sao nên ăn trứng chín kỹ khi mang thai?

Những lo lắng thường gặp

Tôi bị hen và cần phải dùng ống xịt hen mọi lúc mọi nơi. Thuốc xịt hen có an toàn với bà bầu? Có khoảng 5% thai phụ bị hen. Tình trạng bệnh của 1/3 trong số này được cải thiện khi có thai, 1/3 thì không thấy có gì thay đổi và 1/3 còn lại thì tình trạng tồi tệ thêm. Dùng ống xịt chắc chắn sẽ an toàn hơn là khi không thể kiểm soát cơn hen.

Thu Trang

tuần thứ 19

0 bình luận
Với chiều dài từ đỉnh đầu đến mông là 14,2cm, bé lúc này nặng khoảng 190g. Ngực bé bắt đầu phập phồng giống như đang thở nhưng không phải là sự lưu thông không khí mà là dịch ối.

Sự phát triển của bé

Tuần này, bạn bắt đầu bước sang tháng mang thai thứ 5. Bé lúc này đã “cao” khoảng 14cm tính từ đỉnh đầu đến mông. Bé đã có cảm xúc và đặc biệt là có thể nghe rõ nhịp tim cũng như sự chuyển động của hệ tiêu hoá. Và không lâu nữa, bé có thể nghe được những tiếng ồn bên ngoài tử cung cũng như nhận ra giọng nói của mẹ.

Siêu âm giữa thai kỳ thường diễn ra từ tuần 18 đến 22) để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, kiểm tra nhau thai và cuống rốn cũng như xác định chính xác tuổi thai A. Trong quá trình siêu âm, bạn có thể thấy bé đạp, uốn người, với tay, gập người hay thúc vào bụng mẹ. Hãy rủ ông xã đi cùng để được tận hưởng cảm giác sung sướng khi nhìn thấy đứa con của mình.

Các bộ phận giới tính lúc này đã có thể nhìn thấy rõ và đầy đủ. Nếu bạn mang đa thai thì đây là thời điểm kiểm tra vị trí mà các thai đang nằm trong tử cung.

Sự thay đổi của mẹ

Sự quan tâm săn sóc khi bầu bí luôn mang lại cảm giác thư thái cho người mẹ nhưng cũng đừng quên đi khám đều đặn, đặc biệt nếu bác sĩ có một số lưu ý đặc biệt.

Đừng bao giờ "gặm nhấm" những lo âu một mình. Hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những điều bạn trăn trở như các biến chứng thai kỳ, quá trình lâm bồn và sinh nở....

Trong vài tuần tới, bạn có thể sẽ thực hiện một siêu âm kiểm tra các cơ quan nội tạng của thai nhi. Đừng quá lo lắng, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ gặp vấn đề nào đó mà thôi. Nếu điều đó xảy ra với bạn, hãy đối diện với sự thật bằng cách hỏi thẳng thắn: "Tôi có nên tiếp tục giữ cái thai này lại".

Những bộ trang phục rộng rãi, thoải mái hơn rất cần thiết ở thời điểm này. Hãy sắm một đôi giày với size lớn hơn bởi chân cũng lớn cùng cơ thể và nên chọn đôi đế thấp để tăng độ vững của đôi chân khi phải "gánh" thêm bụng bầu.

Mẹo hay có thể áp dụng

Vào tầm chiều, lúc khoảng 15h, cơ thể bạn lúc này bắt đầu "quá tải" vì công việc, hãy ngừng nghỉ ít phút, ăn chút hoa quả như táo, cam hay lê trong vòng 15 phút. Quãng nghỉ giữa giờ này sẽ giúp bạn cảm thấy thư thái hơn và có thể tiếp tục làm việc tới hết giờ buổi chiều.

Những điều cần lưu tâm

Canxi! Đây là giai đoạn bạn cần nhiều khoáng chất này hơn cả và vitamin D sẽ giúp răng và hệ xương của thai nhi phát triển khoẻ mạnh.

Tắm nước nóng có an toàn trong giai đoạn mang thai? Thực tế là tắm nước nóng có tác dụng thư giãn cơ bắp rất hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nhiệt độ nước bồn tắm. Nước quá nóng có thể làm tăng tuần hoàn máu, đẩy huyết áp tăng cao và đó là nguyên nhân khiến bạn có cảm giác uể oải chứ không phải sảng khoái sau khi tắm nước nóng. Hãy kiểm tra nhiệt độ nước bằng mặt trước của cổ tay. Đây là vùng da nhạy cảm, sẽ cho biết nước bạn tắm là ấm hay nóng.

Kiểm tra protein trong nước tiểu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chức năng thận của bạn hoạt động có tốt không. Lượng protein trong nước tiểu thấp hơn mức trung bình thường không phổ biến lắm, và nó có nghĩa rằng thận đang phải làm việc mệt nhọc hơn thời điểm trước khi mang bầu. Nếu lượng protein tăng cao hơn mức trung bình thì bạn có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật và lúc này sẽ lấy thêm mẫu máu để làm xét nghiệm.

Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu cũng giúp bác sĩ biết chính xác rằng bạn có đang bị viêm đường tiết niệu không...

Những lo lắng thường gặp

Tôi luôn có cảm giác đói và tôi lo ngại rằng mình có thể ăn bất cứ thứ gì, bất chấp nó có tốt hay không. Tôi phải thay đổi chế độ ăn ra sao để nạp nhiều năng lượng hơn?

Cảm giác luôn đói không có lỗi và luôn luôn ăn một chút gì đó tốt cho cả bạn và thai nhi. Và mặc dù bạn chưa bước sang giai đoạn thai kỳ thứ 3 nhưng cảm giác đói cho thấy bạn và bé đang cần bổ sung thêm protein. Vậy thì hãy tăng cường các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt nạc, thịt gà và cá. Nếu không thích thịt cá, hãy tăng cường ăn các loại hạt họ lạc, các loại hạt bí, đậu đỗ và sữa, các sản phẩm từ sữa.

Thu Trang

Tuần thứ 18

0 bình luận
Tất cả mọi bộ phận trên cơ thể thai nhi đang thực sự hoạt động. Tuần này, mắt bé đã có thể nhìn thay vì chỉ nhắm chặt, tai cũng đã hoàn thiện những đường nét cuối cùng và sụn mềm đã bắt đầu hình thành giữa các đầu xương.
Sự phát triển của bé

Bé lúc này dài 13cm từ đỉnh đầu tới mông, nặng xấp xỉ 140g. Hệ xương đã có các mô sụn. Một hợp chất bảo vệ có tên myelin bắt đầu bao bọc quanh dây thần kinh.

Với sự giúp đỡ của ống nghe đặc biệt, bạn đã có thể nghe thấy nhịp tim của bé. Bạn sẽ nhận ngay ra rằng không có gì thú vị và dễ chịu hơn khi được nghe thấy "nhịp đập con tim" của đứa con bé bỏng đang thai nghén. Vậy là qua những ngày lo âu về quá trình thai nghén bởi bạn biết bé đang phát triển và lớn lên khỏe mạnh.

Sự phát triển của thai nhi lúc này đã làm thay đổi trọng lực. Lúc này bạn cần đi giày đế thấp và nằm nghiêng để được ngủ ngon giấc mỗi đêm.

Nếu bạn chưa làm xét nghiệm chọc ối thì đây là thời điểm thích hợp.

Sự thay đổi của người mẹ

Đây là lần đầu tiên các bà mẹ cảm nhận được bé yêu trong bụng đang di chuyển. Nhiều bà bầu cho biết cảm giác đầu tiên này rất rõ ràng, giống như có rất nhiều con bướm đang vờn bay trong dạ dày họ vậy. Nhưng với các ông bố thì hoàn toàn chưa cảm nhận được sự "nghịch ngợm" của đứa trẻ.

Khi cả cơ thể ngày càng "nở nang" cũng là lúc bạn cảm thấy mình càng ít vẻ duyên dáng, quyến rũ hơn. Tuy nhiên, đừng lo, tình mẫu tử sẽ khiến tinh thần của bạn tốt hơn trong những tuần tới.

Giai đoạn 3 tháng giữa cũng là thời điểm "yêu" an toàn. Ham muốn của một số thai phụ tăng lên trong khi một số khác thì lại hoàn toàn "hờ hững".

Bạn cũng cần lưu ý rằng quầng quanh núm vú đang ngày càng sẫm lại và mở rộng cùng với sự "lớn" lên của vòng ngực. Nó hoàn toàn vô hại và sẽ chỉ biến mất sau 12 tháng sinh bé.

Một số vùng da khác cũng có thể chuyển sẫm như vùng kín, đường kẻ giữa bụng... và tất cả sẽ biến mất sau khi sinh bé.

Những điều cần quan tâm

Đây là thời điểm 2 vợ chồng cùng bàn tính về tài chính tương lai chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.

Luôn quan tâm tới vệ sinh ăn uống như trước đó, bổ sung nhiều dưỡng chất cho sự phát triển của bé.

Tại sao lại cần phải làm xét nghiệm mức đường huyết?

Tại sao ngạt mũi lại phổ biến ở các bà bầu và điều trị như thế nào nếu nó phát triển thành viêm xoang.

Những lo lắng thường gặp

Tôi được biết rằng sự giao tiếp giữa 2 mẹ con rất quan trọng và mang lại nhiều ích lợi. Tuy nhiên, nói chuyện với cái bụng của mình thật không dễ, vậy phải làm thế nào?

Bạn có thể bắt đầu quá trình giao tiếp với bé ngay khi bé vẫn còn trong bụng. Những bài hát ru, những bản nhạc nhẹ không lời, cổ điển được xem là rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.

Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cái bụng nhưng cũng đừng vì thế mà lo lắng. Bạn có thể trò chuyện với bé sau sinh mà.

Thu Trang

Tuần thứ 17

0 bình luận
Một điều vô cùng thú vị của tuần tuổi này là bé đã bắt đầu biết tạo thú vui, đó là nghịch dây rốn, sờ vào nó và đẩy nó di chuyển.

Sự phát triển của bé

Tuần này, bé đã có kích thước của một quả lê/quả bơ (dài khoảng 11,6cm tính từ đỉnh đầu đến mông, nặng khoảng 100g). Các hệ thống trong cơ thể như tuần hoàn, bài tiết... đi vào hoạt động nhịp nhàng.

Một điều vô cùng thú vị là bé đã bắt đầu biết đùa, đó là nghịch dây rốn, sờ vào nó và đẩy nó di chuyển. Thậm chí, bé còn biết nắm chặt dây rốn, khiến lượng oxy đi qua bị giảm sút. Các bà mẹ đừng vội lo lắng khi đọc những thông tin này vì bé sẽ không nắm chặt dây rốn lâu đâu. Bé đủ thông minh để biết đâu là điểm dừng mà. Bé cũng đã biết thở ra hít vào dù quanh bé toàn nước ối.
Trong 3 tuần tới, bé sẽ lớn rất nhanh, tăng gấp đôi trọng lượng và thêm vài cm chiều dài thân mình.
Lưu ý là sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Trên đây chỉ là những phát triển chung nhất của thai nhi trong giai đoạn tương ứng.
Sự thay đổi của mẹ
Bạn giờ đã tăng ít nhất 2,2kg và có thể tăng tới 4,5kg. Tử cung đang "nở" to và bạn cảm nhận được sự đau nhói ở lưng do dây chằng đang bị kéo căng, thường là do sự thay đổi tư thế đột ngột. Cảm giác đau nhói này chỉ đôi chút nhưng nếu nó kéo dài vài ngày hoặc tăng nặng dù đã áp dụng nhiều cách khác nhau thì bạn cần tới gặp bác sĩ.
Có rất nhiều cặp vợ chồng lo lắng về quá trình sinh nở sẽ như thế nào và họ sẽ ra sao trong vai trò mới toanh sắp tới. Tất cả những lo lắng này đều hết sức bình thường. Hãy thử trò chuyện với những ông bố bà mẹ có con rồi để hiểu rõ hơn về cảm giác làm bố mẹ lần đầu và tìm đọc các sách báo nói về sinh nở. Điều này sẽ giúp bạn an tâm cũng như giúp quá trình sinh nở sau này dễ dàng hơn.
Đây cũng là thời điểm thuận lợi để bạn thực hiện một chuyến du lịch ngắn ngày nếu có thời gian và tiền bạc. Du lịch ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ luôn được khuyến khích vì bạn đã hết cảm giác ốm nghén và cũng chưa quá ộ ệ hay có bất kỳ nguy cơ sinh non nào. Nếu đi du lịch bằng đường hàng không, hãy nói rõ với nhân viên mua vé về tình trạng của bạn để phòng trường hợp một số hãng bay không "nhận" bà bầu.
Trao đổi cộng đồng
Bạn có một công việc phù hợp với giai đoạn chăm con mọn? Nếu không thì có lẽ không có cách nào khác là bạn phải nghỉ làm. Hãy trao đổi với các bà mẹ khác để tìm cho mình một cách phù hợp nhất.
Những điều cần quan tâm
Ăn làm nhiều bữa mối ngày. Các loại hoa quả khô, sữa chua... đều là những nguồn chất xơ rất tốt. Uống nhiều nước và tránh các loại nước có ga.
Bạn bắt đầu cảm nhận được sự phiền toái do hiện tượng chuột rút gây ra?
Những biểu hiện thai nghén nào mà bạn cần phải chú ý?
Làm gì khi mắc bệnh nấm âm đạo?
Những lo lắng thường gặp
Tôi thường có cảm giác mệt mỏi và cảm thấy hào hứng hơn đôi chút khi đi bộ hay tập luyện trong những tháng mùa hè nóng nực. Tôi được biết là việc tập luyện rất tốt. Vậy xin hỏi bài tập luyện nào tốt nhất cho bà bầu như tôi?
Giữ cân nặng vừa phải sẽ giúp cơ thể bạn đáp ứng được nhiều yêu cầu của giai đoạn thai nghén, giúp bạn lâm bồn thuận lợi cũng như cân nặng hợp lý của trẻ khi chào đời. Vậy hãy trung thực với bản thân mình, xem hoạt động nào làm bạn cảm thấy thoải mái nhất lúc này - đây chính là hoạt động thích hợp với bạn và an toàn cho thai nhi.

Bạn có thể tập các bài yoga nhẹ nhàngđể thư giãn các múi cơ bắp, giúp bạn học được cách hít thở, chuẩn bị cho giai đoạn lâm bồn nhưng lưu ý là đừng căng cơ quá mức, hãy bảo vệ lưng của mình!
Thu Trang
Mọi hình ảnh, bài viết trên blog "Vì cuộc đời đó có đâu mà hững hờ" thuộc về Sanipriya®.
Vui lòng liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng những hình ảnh đó.